Mắc bệnh nhiễm trùng, chức năng tiêu hóa kém… là những nguyên nhân thường gặp khiến trẻ bị biếng ăn bệnh lý mà phụ huynh cần nhận biết.
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Thu Hương - Bác sĩ Trưởng Nutrihome Icon4, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn, trong đó có thể phân thành 2 nhóm chính là biếng ăn do bệnh lý, biếng ăn không do bệnh lý thực thể (biếng ăn sinh lý, biếng ăn tâm lý...).
Khi bị biếng ăn do bệnh, trẻ thường có biểu hiện như ăn ít, mất cảm giác ngon miệng, ăn chậm, lười nhai hoặc lười nuốt, có tâm lý chống đối khi ăn... Tình trạng biếng ăn bệnh lý ở trẻ kéo dài có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, quá trình phát triển của bé.
Trẻ có thể bị biếng ăn do mắc các bệnh lý liên quan. Ảnh: Shutterstock
Nguyên nhân gây ra chứng biếng ăn bệnh ở trẻ, theo bác sĩ Thu Hương, có thể bao gồm 3 lý do thường gặp sau đây:
Chức năng tiêu hóa kém hoặc trẻ bị bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa: khi bị rối loạn tiêu hóa hoặc chức năng tiêu hóa bị suy giảm, trẻ có thể cảm thấy buồn nôn, đau bụng, nôn trớ sau khi ăn, kèm theo hiện tượng đi phân sống, táo bón hoặc tiêu chảy cấp kéo dài. Rối loạn tiêu hóa cản trở quá trình tiêu hóa thức ăn và hấp thu dinh dưỡng của cơ thể, từ đó dẫn đến biếng ăn bệnh lý ở trẻ.
Nguyên nhân chính gây nên các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa của trẻ chủ yếu là do chế độ ăn uống mất cân bằng lâu ngày, đường ruột loạn khuẩn, dạ dày, ruột co bóp thất thường hoặc rối loạn tiết dịch, polyp trực tràng...
Trẻ bị nhiễm trùng: do hệ miễn dịch còn non yếu nên trẻ không có khả năng loại bỏ tất cả các vi khuẩn gây hại. Vì vậy, trẻ dễ bị mắc bệnh vặt như ho, cảm cúm, viêm mũi,... có nguy cơ chuyển biến nặng thành nhiễm trùng, viêm cấp tính hoặc viêm mãn tính đường hô hấp hoặc hệ tiêu hóa. Các bệnh nhiễm trùng có thể gây suy giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng, đồng thời làm giảm cảm giác thèm ăn ở trẻ. Ngoài ra, trẻ biếng ăn do bệnh lý cũng có thể là tác dụng phụ gây nên bởi việc điều trị nhiễm khuẩn kéo dài bằng thuốc kháng sinh.
Các loại thuốc uống: khi bị ốm, trẻ được chỉ định sử dụng nhiều loại thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, vitamin,... để giảm nhẹ triệu chứng. Việc sử dụng thuốc lâu dài đôi khi có thể tạo ra tác dụng phụ là khiến trẻ bị biếng ăn bệnh lý.
Một số tác nhân dẫn đến tình trạng trẻ biếng ăn bệnh lý khác có thể kể đến như nhiễm ký sinh trùng, viêm họng, viêm tai giữa, cảm sốt,... Bố mẹ nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh, chọn lựa phương pháp điều trị kịp thời, an toàn.
Bác sĩ Thu Hương khuyến cáo những trẻ có nguy cơ mắc biếng ăn bệnh lý là những trẻ từ 2 tuổi trở lên. Trong đó, trẻ đang trong giai đoạn mọc răng hoặc dễ mắc bệnh vặt là những đối tượng có nguy cơ bị biếng ăn cao hơn.
Một trẻ có thể được chẩn đoán là biếng ăn bệnh lý khi xuất hiện ít nhất từ hai biểu hiện dưới đây: không tăng cân trong ba tháng liên tiếp; từ chối ăn, có biểu hiện chống đối việc ăn như chạy trốn, khóc lóc,...; trẻ ngậm thức ăn lâu bên trong miệng, không chịu nhai và nuốt; ăn ít hơn một nửa so với khẩu phần ăn thông thường; bé mất hơn 30 phút để hoàn thành bữa ăn hoặc không chịu ăn hết thức ăn.
Tuy nhiên, những dấu hiệu trên cũng tương tự trong trường hợp trẻ biếng ăn sinh lý. Vì vậy, bố mẹ nên chú ý theo dõi biểu hiện bệnh lý đi kèm của trẻ để tránh nhầm lẫn. Khác với nguyên nhân gây biếng ăn sinh lý là do chuyển giao giữa các giai đoạn phát triển, biếng ăn bệnh lý là do cơ thể trẻ bị bệnh làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Lúc này, cách duy nhất để khắc phục là điều trị dứt điểm các bệnh liên quan, sau đó dần dần tạo cho trẻ thói quen, sở thích ăn uống bình thường trở lại.
"Việc chẩn đoán chứng biếng ăn bệnh lý ở trẻ chủ yếu dựa trên triệu chứng bệnh kết hợp cùng một số xét nghiệm khác như xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, nước tiểu,... Sau khi xác định chính xác loại bệnh lý gây biếng ăn cho trẻ, bác sĩ có thể đưa ra giải pháp điều trị phù hợp, từ đó cải thiện tình trạng bệnh và tăng cảm giác thèm ăn", bác sĩ Thu Hương cho biết.
Trẻ được khám và tư vấn dinh dưỡng tại Nutrihome. Ảnh: Nutrihome
Theo chuyên gia, một trong những cách ngăn ngừa tình trạng biếng ăn ở trẻ em hiệu quả là phòng các bệnh nhiễm trùng, bệnh về đường tiêu hóa. Để phòng bệnh, bố mẹ cần đề cao việc xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, tăng cường đề kháng, thể chất cho trẻ. Nếu trẻ không may bị bệnh nhiễm trùng, tiêu hoá... thì cần điều trị kịp thời, hiệu quả để không ảnh hưởng đến nhu cầu, sự thích thú trong ăn uống.
Biếng ăn bệnh lý ở trẻ nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều hệ lụy. Trong đó, nghiêm trọng nhất là trẻ bị suy dinh dưỡng, thiếu chất, thiếu máu, suy nhược cơ thể, chậm lớn, kém phát triển, dễ gặp vấn đề về tiêu hóa.
Hoài Ân