Thịt đỏ, sữa, chế phẩm từ sữa, ngũ cốc tinh chế… là những thực phẩm trẻ đang bị táo bón nên hạn chế.
Táo bón là một bệnh lý rất thường gặp ở trẻ nhỏ từ độ tuổi ăn dặm đến 3, 4 tuổi. Nguyên nhân chính là do hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện, chế độ ăn uống chưa phù hợp, thiếu chất xơ.
Táo bón không ảnh hưởng đến tính mạng có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ. Nếu để tình trạng táo bón nặng, kéo dài, bé sẽ dễ đối mặt với nguy cơ như viêm ruột, trĩ, kém hấp thu, suy dinh dưỡng... Trẻ táo bón thường xuyên sẽ phát triển chậm, nhẹ cân, thấp còi, ảnh hưởng đến tầm vóc khi trưởng thành.
Táo bón là một trong những tình trạng thường gặp nhất ở trẻ em.
Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Cao Thị Thu Hương - Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome cho biết, để khắc phục hiệu quả tình trạng táo bón của trẻ, ngoài loại thuốc đặc trị bác sĩ kê đơn, phụ huynh cần thiết lập, duy trì một chế độ dinh dưỡng khoa học. Người lớn nên đưa trẻ đi khám kịp thời để bác sĩ tư vấn cách xử lý, tránh để táo bón nặng sẽ khiến trẻ sợ đi tiêu, lâu ngày trở nên trầm trọng.
Cũng theo bác sĩ Hương, bệnh táo bón ở trẻ em có mối liên hệ trực tiếp với chế độ ăn uống hàng ngày của trẻ. Ngoài những loại thực phẩm tốt, phụ huynh cần nắm một số loại thực phẩm nên hạn chế khi trẻ bị táo bón như sau.
Thịt đỏ: loại thực phẩm có chứa nhiều chất đạm và chất béo. Nếu mẹ cho bé ăn quá nhiều thịt đỏ sẽ dẫn đến tình trạng thừa chất. Hệ tiêu hóa yếu ớt của trẻ sẽ không thể tiêu hóa kịp thời, dẫn đến tình trạng táo bón, phân khô cứng khó đào thải. Thay vào đó mẹ nên cho bé ăn thịt gà, cá nước ngọt để dễ tiêu hóa hơn.
Sữa và các sản phẩm từ sữa: ở một số trẻ hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện sẽ không thể tiêu hóa hết lượng protein trong sữa, từ đó dẫn đến tình trạng táo bón. Không những vậy, lượng đường lactose có trong sữa, các chế phẩm từ sữa có thể làm tăng khí, gây đầy hơi ở trẻ.
Ngũ cốc đã qua chế biến: khác với ngũ cốc nguyên hạt, ngũ cốc đã tinh chế thường bị giảm lượng chất xơ, giàu chất bột, rất dễ gây nên chứng táo bón ở trẻ.
Bánh mì: bánh mì là một trong những loại thực phẩm chứa nhiều tinh bột. Đối với trẻ dưới 12 tháng tuổi, bột mì qua chế biến sẽ khiến bé nặng bụng, khó tiêu, tăng nguy cơ bị táo bón.
Bác sĩ Hương cho biết thêm, chất xơ có vai trò quan trọng đối với hệ tiêu hóa của trẻ, là môi trường lý tưởng để vi khuẩn có lợi lên men, giúp phân mềm, dễ dàng đào thải ra ngoài.
Trong thực đơn hàng ngày cho bé bị táo bón, phụ huynh cần chú ý bổ sung đủ lượng chất xơ. Theo đó, trẻ cần nạp 25g chất xơ mỗi ngày (hoặc tùy độ tuổi theo tư vấn cụ thể của bác sĩ) để đảm bảo chế độ dinh dưỡng lành mạnh, giúp đường ruột khỏe mạnh. Một số loại thực phẩm chứa chất xơ tốt, hiệu quả cho việc khắc phục tình trạng táo bón ở trẻ bao gồm: bông cải xanh, rau dền, mồng tơi, táo, mận, khoai lang, đậu bắp, các loại hạt...
Ví dụ, rau mồng tơi là một trong những thực phẩm hỗ trợ trị táo bón tốt cho trẻ. Mồng tơi có tính hàn, giúp lợi tiểu, giải độc... Thêm vào đó, với một lượng lớn chất nhầy pectin, tinh bột polysaccharide chứa trong mồng tơi sẽ giúp hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động trơn tru hơn, kích thích nhu động ruột, nhuận tràng. Từ đó giúp, thực phẩm góp phần làm mềm phân và đẩy chất thải ra ngoài dễ hơn.
Một chế độ ăn uống đúng sẽ giúp trẻ cải thiện chứng táo bón hiệu quả.
Chuối chín được xem là một loại hoa quả tốt cho bệnh táo bón của trẻ. Chuối chứa một lượng lớn kali, acid folic, vitamin B6, pectin,... Ngoài ra, trong một quả chuối có chứa đến 12% lượng chất xơ cần thiết mỗi ngày cho cơ thể, giúp kích thích nhu động ruột, thúc đẩy cảm giác muốn đi ngoài.
"Phụ huynh không nên tự ý mua các loại men vi sinh, thuốc nhuận tràng... cho trẻ uống tại nhà. Tất cả các thuốc điều trị táo bón ở trẻ đều cần chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa. Nếu trẻ táo bón trong thời gian dài mà không cải thiện, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám sớm", bác sĩ Thu Hương cho biết.
Minh Thư